Chủ động bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng
Lượt xem: 100
Anh-tin-bai

(binhthuan.gov.vn) Với thời tiết nắng nóng gay gắt, những người lao động hoạt động ngoài trời rất dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, cần chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nguy cơ đột quỵ hoặc sốc nhiệt do nhiệt độ tăng cao.

Từ khoảng 09 giờ sáng trở đi, cái nóng hầm hập của cao điểm mùa khô đã khiến cho những người làm việc ngoài trời thấm đẫm mồ hôi. Anh Lê Anh Trung làm nghề phụ hồ, cho biết: “Tiết trời nắng gắt, quá oi bức. Nghề phụ hồ như mình là công việc nặng nhọc, trời râm mát cũng đổ mồ hôi, huống chi trời nắng như thế này. Mặc dù mặc áo khoác ngoài để chống nắng nhưng vẫn cảm thấy mệt lã người. Mình phải uống nước liên tục trong khi làm. Tới giờ nghỉ trưa không ăn nổi cơm, nhưng phải ráng ăn mới có sức chiều làm tiếp.”

Tương tự, anh Trần Thanh Vũ, làm nghề shipper (giao hàng tận nhà) cho biết, do đặc thù công việc, anh phải đi ra ngoài đường suốt ngày từ sáng sớm cho đến 18 giờ chiều, để kịp giao hàng cho khách. “Lúc nào mồ hôi cũng đầm đìa và uống nước liên tục. Buổi trưa nắng quá gắt, tôi tranh thủ tìm bóng mát đừng lại nghỉ ngơi chút, uống nước rồi mới tiếp tục đi giao hàng”, anh Vũ chia sẻ.

Anh-tin-bai

Người lao động ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

Với thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, những người làm công việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, làm muối, giao hàng (shipper),… rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Anh Đặng Văn Nam, làm nghề giao hàng cho biết: “Mấy năm trước, tôi thường chủ quan, cứ đinh ninh rằng nắng nóng chỉ làm đen da chứ không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nên rất hay bị dị ứng, sổ mũi, viêm họng, thậm chí viêm da do làm việc dưới trời nắng. Vì vậy, trong mùa nắng nóng như này, tôi chủ động giảm bớt thời gian làm việc ngoài trời, nếu có phải đi ngoài đường thì tôi cũng lựa chọn những đoạn đường có bóng cây, điều chỉnh thời gian giao hàng vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn để đảm bảo sức khoẻ”.

Theo Bộ Y tế, sức nắng gắt như hiện nay còn ảnh hưởng đến sức khỏe người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…). Một số vấn đề sức khỏe thường gặp ở mùa nắng nóng là say nắng, say nóng hoặc thậm chí là đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường.

Việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thuý (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) cũng bị xáo trộn khá nhiều khi phải cắt cử thành viên trông con nhỏ. Chị Thuý cho biết: “Sau khi theo dõi, thấy bé ở nhà sốt cao, gia đình tôi có đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu bị viêm họng cấp, nguyên nhân do trong mùa nắng nóng, gia đình thường xuyên để quạt lớn, điều hoà nhiệt độ thấp… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu”.

Các chuyên gia y tế cho biết: Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Với mức độ nhẹ, con người trở nên mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim… Với mức độ nặng, thì đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, ngất xỉu, trụy tim mạch… và có thể dẫn đến tử vong.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, Phó Giám đốc Sở Y tế bình Thuận Lê Văn Hồng cho biết, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế của tỉnh cung cấp những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp xử lý, dự phòng một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng đến người dân, người lao động trên địa bàn phụ trách.

Cụ thể, trong những ngày nắng nóng, hạn chế ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Nếu trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, thì không ra ngoài trời nắng đột ngột mà phải tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Uống tối thiểu từ 1,5 đến 02 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần trong ngày, không uống quá nhiều nước trong một lần.

Với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí lại thời gian làm việc, sử dụng vật liệu cách nhiệt che mát, phun sương… Nếu bắt buộc phải làm việctrong môi trường nhiệt độ cao,thì không nên làm quá lâu, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Theo định kỳ, sau khoảng 45 phút đến 01 giờ làm việc, người lao động cần phải nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng 15 - 20 phút. Hạn chế tối đa ánh nắng tiếp xúc lên cơ thể, đặc biệt vùng vai, gáy. Khi làm việc ngoài trời, sử dụng bảo hộ cá nhân, kem chống nắng, uống nước đều; bổ sung muối, khoáng chất với người ra nhiều mồ hôi./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1