Bình Thuận ghi nhận 01 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Thuận Nam
Lượt xem: 575

(binhthuan.gov.vn) Đây là ca tử vong thứ 03 nghi do bệnh dại tại tỉnh Bình Thuận trong năm 2024. Trước đó vào tháng 02, đã có 02 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cuối tháng 12/2023, bệnh nhân nữ 31 tuổi ở thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam) bị con chó nhỏ không rõ của ai đến nhà hàng xóm cắn 01 vết xước vào phía trước cẳng chân phải, có chảy máu. Do thấy vết trầy không nghiêm trọng và chủ quan chó con nên bệnh nhân không xử lý vết thương, không đi tiêm vắc xin phòng dại, không tiêm huyết thanh kháng dại.

Sau hơn 02 tháng (tối ngày 05/3/2024), bệnh nhân cảm thấy người nóng, mỏi chân, tê chân đứng không vững nên đi khám và uống thuốc theo đơn. Đến ngày 07/3/2024, các triệu chứng khác xuất hiện (sốt nhẹ, khát nước nhưng không uống được kèm khó thở). Ngày 08/3, bệnh nhân được nhập viện tại Khoa Hồi sức cấp cứu – Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam với triệu chứng sốt, khó thở, mệt, họng đỏ viêm, tê mỏi người, 02 chân hạn chế vận động đi lại, buồn nôn; không uống nước được (cảm giác ngộp), khó thở khi nghe tiếng ồn, sợ ánh sáng, lạnh run. Người nhà xin chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán dại. Ngày 09/3, người nhà thấy bệnh nặng nên xin về nhà và bệnh nhân tử vong tại nhà cùng ngày.

Tình trạng con vật lúc cắn bệnh nhân là chó nhỏ thả rông không rõ của ai được nhà hàng xóm đưa về nuôi. Chó con dữ, đã cắn 03 người và bị chủ nhà đánh chết.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam đã thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người đến Chi cục Thú y tỉnh; phối hợp Trạm Y tế thị trấn Thuận Nam điều tra, giám sát ca dại; tuyên truyền vận động người nhà bị chó dại cào, cắn đi tiêm ngừa vắc xin phòng dại. Đồng thời, tư vấn và vận động 02 trường hợp bị chó cắn cùng thời điểm với bệnh nhân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Ngành Y tế khuyến cáo, khi đã bị chó, mèo cắn, nếu không biết con vật có bị dại hay không, động thái đầu tiên bắt buộc là phải rửa vết thương đúng cách. Không tác động bàn tay vào vết thương, chỉ dội vết thương, cho xà phòng vào vết thương và xối rửa sạch thì virus dại sẽ trôi bớt đi và việc này cần phải làm càng sớm, càng tốt. Sau đó, đưa người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế hoặc các điểm tiêm phòng vắc xin phòng dại gần nhất để được các bác sĩ, nhân viên y tế khám, tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời cho từng trường hợp. Chỉ có tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại lây truyền sang người, nếu nuôi chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại tuyệt đối không tiếp xúc để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y xã/phường để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1