Tiếp tục đổi mới hoạt động Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Bình Thuận: Gắn bó với cơ sở, vì lợi ích chính đáng của Nhân dân
(binhthuan.gov.vn) Qua 5 năm triển khai Thông báo
số 160-TB/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, Tỉnh
ủy Bình Thuận đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát nhằm đổi mới nội dung, phương thức
hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo
chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống chính trị.
Đổi mới từ tư duy đến hành động
Với đặc điểm là tỉnh ven biển, dân số hơn 1,5
triệu người, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã xác định rõ vai trò nòng cốt của Mặt
trận và các đoàn thể trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc
phòng – an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Từ năm 2020 đến nay,
Tỉnh ủy đã ban hành các đề án, công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể; đồng thời tổ
chức kiểm tra, giám sát định kỳ việc triển khai tại các địa phương, đơn vị.
Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và
đoàn thể từng bước được đổi mới theo hướng gắn bó với cơ sở, phát huy vai trò
đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Công tác tuyên
truyền được tăng cường trên nền tảng số, thông qua mạng xã hội như Facebook,
Zalo, giúp lan tỏa thông tin nhanh chóng, hiệu quả.
Nâng tầm hiệu quả các phong trào
Các phong trào thi đua như “Dân vận khéo”, “Toàn
dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai sâu
rộng, có chiều sâu. Toàn tỉnh có hơn 2.100 mô hình dân vận khéo, trong đó hàng
trăm mô hình được công nhận cấp tỉnh, cấp huyện. Các tổ chức như Hội Nông dân,
Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ… đều có sáng kiến riêng phù
hợp với từng đối tượng, từ mô hình "Cánh đồng không rác thải", “Giáo
xứ không có thanh niên vi phạm pháp luật” đến các câu lạc bộ khởi nghiệp cho
thanh niên.
Đặc biệt, công tác giám sát, phản biện xã hội
ngày càng được coi trọng. Giai đoạn 2021–2024, toàn tỉnh đã tổ chức gần 2.900
cuộc giám sát và gần 500 hội nghị phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng,
chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo kế
hoạch của UBND huyện về công tác bảo vệ môi trường năm 2025
Củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ
tâm huyết
Bên cạnh đổi mới nội dung hoạt động, Tỉnh ủy Bình
Thuận chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác
Mặt trận và đoàn thể. 05 năm qua, tỉnh đã giảm 12 đầu mối, 14 cán bộ chuyên
trách, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công tác, phù hợp với tinh thần tinh gọn,
hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ luôn gắn với
yêu cầu thực tiễn, chú trọng tiêu chí tâm huyết, gần dân, sát dân.
Những định hướng lớn trong giai đoạn tới
Tỉnh ủy Bình Thuận xác định: Trong bối cảnh
chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng và tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn
biến, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể càng quan trọng. Trong thời gian
tới, các tổ chức chính trị - xã hội cần:
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp vận động, tuyên truyền;
- Tăng cường các mô hình thực chất, bền vững;
- Đa dạng hóa hình thức tập hợp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, công nhân, đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa hoạt động;
- Thực hiện nghiêm giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Với những kết quả đạt được và phương hướng rõ
ràng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Bình Thuận
sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và
Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
LTT-NTN