Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam

(binhthuan.gov.vn)
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, trong thời gian qua UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chủ động phối hợp với các
Sở, ngành có liên quan triển khai nhiều chương trình, dự án lồng ghép đầu tư
phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao đã ra đời, đáp ứng nhu cầu cần thiết của Nhân dân và đã tạo được
sự đoàn kết thống nhất của người dân khi thực hiện.
Cụ thể, như mô hình “Trồng dưa lưới
trong nhà màng" quy mô 5.000 m2 tại Hàm Cường và Thuận Quý, với chi phí đầu
tư nhà lưới khoảng 350 triệu đồng/1000m2 (khấu hao 5 năm, 4 vụ/năm). Năng suất đạt
từ 35 - 40 tạ/1000m2, nông dân thu được lợi nhuận từ 41- 56 triệu đồng/1.000 m2/vụ.
Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Mô hình “Sản xuất măng tây xanh trong
nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm theo liên kết chuỗi" tại xã Tân
Thuận và Hàm Minh. Năng suất đạt 1.350kg/1.000 m2, lợi nhuận 29 triệu đồng/ 1.000
m2/vụ, tiết kiệm 1.300m3 nước/1.000 m2. Mô hình “Trồng và thâm canh thanh long
theo giàn chữ T tiêu chuẩn GlobalGAP kết hợp tự động hóa tưới nước và bón phân”
tại xã Hàm Kiệm, tiết kiệm 50% lượng nước tưới; giảm sâu bệnh, năng suất tăng
20%.
Bên cạnh đó, huyện Hàm Thuận Nam còn phát
triển các vùng nuôi thủy sản nước mặn lợ, trong đó tập trung ứng dụng các giải
pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát môi trường vùng nuôi tôm thương phẩm đạt hiệu
quả và năng suất cao nhất, sử dụng các chế phẩm sinh học, sử dụng bạt phủ ao và
sục khí đáy tạo oxy hòa tan cho ao nuôi; công nghệ nuôi tôm theo Biofloc, bán Biofloc...
Mô hình “Nuôi lươn không bùn sử dụng
thức ăn thừa kết hợp nuôi cá trê" tại xã Mương Mán và Hàm Mỹ, lươn phát
triển tốt, tỉ lệ sống đạt 95%, trọng lượng trung bình đạt 05 con/kg. Mô hình
nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu
thụ sản phẩm, tỉ lệ sống 70%; trọng lượng trung bình 500 g/con; nông dân thu lợi
nhuận 45,4 triệu đồng/vụ; tỉ lệ sinh lãi/chi phí đạt 28%, tạo việc làm cho người
dân.
Mô hình”Nuôi ếch trong bể” tại xã Tân
Thành, tỉ lệ sống đạt 95%, trọng lượng trung bình đạt 0,3 kg/con, lợi nhuận đạt
16,3 triệu/50m2/đợt nuôi. Mô hình “Nuôi cua thương phẩm trong ao đất; mô hình
“Nuôi tôm càng xanh”; mô hình cồi chà cải tiến trong khai thác thủy sản…
Trong thời gian tới, UBND huyện Hàm
Thuận Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư vào nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để hình
thành các chuỗi mua bán hàng hóa và cung ứng vật tư nông nghiệp. Nâng cao trình
độ đội ngũ cán bộ tuyến huyện, xã trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đáp ứng khả
năng tiếp cận, sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển giao các tiến
bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho người dân.
Nguyễn Phương