Nhiều Hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

(binhthuan.gov.vn)
Thực hiện Nghị quyết 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh về chính
sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh,
trong thời gian qua các Sở, ngành, địa phương đã hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia
xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuộc các ngành hàng lúa gạo,
thanh long, rau quả…
Trong đó, điển hình có chuỗi
liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của Hợp
tác xã sản xuất rau an toàn Tiến Phát; chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến
gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo của Hợp tác xã Công Thành Đức Linh; chuỗi
liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào chế biến gắn với tiêu thụ gạo nếp của Hợp
tác xã Đức Bình; chuỗi liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất
gắn với tiêu thụ thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã
thanh long Hàm Kiệm; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò
của Hợp tác xã Thuận Minh Phát; chuỗi liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào,
chế biến gắn với tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao của các Hợp tác xã trên địa
bàn huyện Tánh Linh, Đức Linh. Các chủ thể tham gia liên kết trong chuỗi đều được
hưởng lợi, đặc biệt là các Hợp tác xã và thành viên; sản phẩm được liên kết thu
mua, bao tiêu với giá ổn định; giống, vật tư sản xuất được cung ứng đảm bảo chất
lượng, giá thành cạnh tranh, từng bước hình thành mô hình liên kết chặt chẽ giữa
người sản xuất và đơn vị liên kết.
Ngoài ra, còn có các chuỗi
liên kết giữa các Hợp tác xã sản xuất thanh long với các doanh nghiệp xuất nhập
khẩu, như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Hợp tác xã thanh long hữu cơ Phú Hội. Liên
kết giữa các Hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp cung ứng sản xuất và
bao tiêu sản phẩm lúa, như Hợp tác xã Phú Thịnh, Hợp tác xã Thuận Hòa, Hợp tác
xã Hiệp Phát, Hợp tác xã Hồng Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Điền 1, Hợp tác
xã Lạc Trị... Mô hình cung ứng, sản xuất và bao tiêu sản phẩm ớt giữa Hợp tác
xã Sen Núi. Mô hình liên kết chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh
nghiệp Ba Tường và Hợp tác xã chăn nuôi Thiện Nghiệp.
Tính đến nay, toàn tỉnh
có 10 Hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là Hợp tác xã rau
an toàn Tiến Phát với mô hình trồng rau thủy canh; Hợp tác xã thanh long sạch
Hòa Lệ với các sản phẩm chế biến từ thanh long; Hợp tác xã công nghệ cao Thiện
An và Hợp tác xã Bình Minh với mô hình trồng dưa lưới; Hợp tác xã thanh long
Hàm Đức, Hợp tác xã Thanh Bình, Hợp tác xã thanh long Phú Hội, Hợp tác xã thanh
long Thuận Tiến và Hợp tác xã thanh long Hàm Minh 30 với các sản phẩm chế biến
từ thanh long.
Có thể nói, hoạt động sản
xuất kinh doanh của các Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng
công nghệ cao thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần nâng
cao thu nhập cho các thành viên trong Hợp tác xã. Nhiều Hợp tác xã đã chú trọng
nguyên tắc "Hợp tác và phát triển cộng đồng" trong triển khai quy chế
dân chủ, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong Hợp tác xã;
đồng thời, là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với hộ nông dân, doanh nghiệp
trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Phương