Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới

(binhthuan.gov.vn)
Sáng ngày 23/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh
giá công tác triển khai, thực hiện Công điện 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của
Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số
13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công
tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình
mới. Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế. Tại điểm cầu
Bình Thuận, dự và chủ trì có Giám đốc Sở Y tế - Đặng Thức Anh Vũ, cùng đại diện
lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã báo cáo bước đầu thực hiện một số nội dung của
Kế hoạch tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian
lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và công tác chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ
Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra liên quan lĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ
truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... Công tác này diễn ra trong
tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kéo dài từ nay đến 15/6. Cũng theo Bộ Y tế, từ năm
2020 đến tháng 5/2025, có hơn 400 cơ sở thực phẩm bị kiểm tra, 198 cơ sở vi phạm
với tổng số tiền phạt gần 24 tỉ đồng. Riêng năm 2024, ngành y tế đã tổ chức gần
260 đoàn thanh, kiểm tra và ban hành 46 quyết định xử phạt hành chính trong
lĩnh vực dược với tổng tiền trên 2,5 tỉ đồng. Bộ Y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành, ký quy chế phối hợp với
Bộ Công an để điều tra và xử lý 31 vụ liên quan thực phẩm chức năng giả, chất cấm,
giấy tờ giả.
Tại hội nghị,
các địa phương đã báo
cáo tình hình thực hiện Công điện 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng
Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại,
hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày
17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, nêu ra một số thuận
lợi, khó khăn và các giải pháp thực hiện tốt các mặt công tác theo tinh thần
chung của Chính phủ trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Thời gian qua với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức
năng, nhiều vụ việc sản xuất, mua bán thuốc, thực phẩm chức năng giả với quy mô
lớn đã được triệt phá. Việc hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường đã
gây dư luận không tốt, người dân lo lắng. Vì vậy, nhiệm vụ chống buôn lậu, gian
lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ cấp bách, khó khăn
và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cấp quản lý từ
Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban ngành
và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả tháng cao điểm trong toàn ngành Y
tế nhằm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan
đến các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dược, thực
phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến
tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng
giả (đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ
truyền, thiết bị y tế); kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản
xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết
bị y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhằm bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Tại Bình Thuận, để triển khai thực hiện hiệu
quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2025 góp
phần thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025; Ban Chỉ
đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có văn bản yêu cầu các
cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động nắm chắc, đúng tình hình;
xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên;
nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đề ra những giải pháp phù hợp nhằm
đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng
giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng chức
năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức,
cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đổi
mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát động phong
trào toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
mỗi người dân là người tiêu dùng thông minh, không tham gia, tiếp tay cho buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc,
xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng....
Phạm
Huệ