Sẽ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người
Lượt xem: 186

(binhthuan.gov.vn) Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật, đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm tăng cường hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người.

Theo kết quả tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể là: Từ khi luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2012) đến ngày 15/02/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là 1.744 vụ với 3.059 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo). Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được nhiều kết quả, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân. Theo đó, từ năm 2012 đến tháng 02/2023, đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Kết quả nêu trên cho thấy, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách để hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người. Cụ thể như sau:

Về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân. Đồng thời, nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 theo hướng: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ); Cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; Được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày; Được trợ giúp pháp lý; Khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; Khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; Nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; Được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài cũng như tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, cụ thể:

Bổ sung quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài với nội dung cụ thể: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người là nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do chính họ, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau: Trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ; trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy xác nhận nạn nhân, cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định; Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước; Trường hợp thỏa thuận quốc tế có quy định về việc trao đổi thông tin trực tiếp, hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước thì thực hiện theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế đó.

Bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam với nội dung cụ thể: Khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu. Trường hợp họ đã được giải cứu hoặc khai báo là bị mua bán tự trình báo thì Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi giải cứu nạn nhân hoặc cơ quan Công an (cấp xã, huyện, tỉnh) nơi tiếp nhận người khai báo là bị mua bán thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho họ nếu thấy cần thiết và chuyển ngay họ đến Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi họ được giải cứu hoặc nơi gần nhất họ khai báo về việc bị mua bán. Khi có đủ căn cứ xác định người được giải cứu, người tự trình báo là nạn nhân thì cơ quan giải cứu, cơ quan tiếp nhận trình báo cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán theo thẩm quyền trước khi chuyển giao; Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện sau khi tiếp nhận người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tiến hành hỗ trợ theo quy định và thông báo cho Cơ quan quản lý nhà nước về Ngoại vụ cấp tỉnh, Cơ quan quản lý nhà nước về Xuất nhập cảnh cấp tỉnh thực hiện các công việc để trao trả về nước mà họ là công dân hoặc thường trú; Cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về các vấn đề để đưa nạn nhân về nước, sau đó thông báo bằng văn bản và chuyển giấy tờ xuất, nhập cảnh của nạn nhân cho Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an; Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện cấp thị thực, chứng nhận tạm trú cho nạn nhân, thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi đang lưu giữ nạn nhân; Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh; các tổ chức quốc tế (nếu có liên quan) để phối hợp đưa nạn nhân về nước; Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi lưu giữ nạn nhân chỉ đạo cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân đưa nạn nhân tới cửa khẩu và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc đưa nạn nhân về nước.

Bổ sung về đối tượng bảo vệ gồm: Nạn nhân; Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về; căn cứ để xác định nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tố cáo./.

Hữu Tri (tổng hợp)

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1