Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức
(binhthuan.gov.vn) Nhằm kịp thời
chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ
trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thuộc
các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Bình Thuận đã và đang triển
khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Theo Sở Nội vụ, thực tế trong thời
gian qua, trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức
có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám
làm. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của
cán bộ, công chức và công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng
trên, Sở Nội vụ cho rằng, về khách quan, do các quy định pháp luật hiện hành
cho việc thực thi công vụ, nhiệm vụ hiện nay quá nhiều, đồng thời có chồng
chéo, bất cập dẫn đến nhiều khó khăn trong thực thi, áp dụng. Trung ương chưa
có quy định cụ thể về hành vi và chế tài xử lý hành vi né tránh, đùn đẩy, làm
việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, do đó, chưa có biện pháp nghiêm
túc xử lý đối với các hành vi này. Mặt khác, một số quy định quy chế phối hợp,
chế độ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu trong thực thi công
vụ chưa thật rõ ràng, cụ thể. Về chủ quan, một bộ phận công chức, viên chức
trình độ, năng lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu chức danh, yêu cầu công việc;
nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp
hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhận diện thực trạng trên, ngày
18/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1713/UBND-NCKSTTHC để khắc phục,
chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm
không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Chủ tịch
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định,
quy chế làm việc, kỷ cương, kỷ luật hành chính; Phát huy tinh thần trách nhiệm
của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công
vụ của cán bộ, công chức.
Về giải pháp trong thời gian tới, tỉnh
Bình Thuận sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường,
hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ,
công chức yên tâm thực hiện chức trách công vụ theo quy định. Tăng cường công
tác kiểm tra, thanh tra về thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức,
viên chức.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công
tác ổn định về tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương.
Triển khai và thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc khuyến khích và bảo
vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cơ cấu lại đội ngũ, đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng, hiệu quả xử lý công việc cho đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công việc.
Khuyến khích, động viên, khen thưởng
kịp thời các trường hợp thực thi tốt nhiệm vụ; phê bình, xử lý nghiêm các trường
hợp thiếu trách nhiệm, đùn đẩy,…Gắn kết quả thực thi nhiệm vụ với công tác đào
tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm. Thực hiện tốt cơ chế phân công, giao việc,
phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của cơ
quan, đơn vị.
TT Dân