Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên
Lượt xem: 1545

(binhthuan.gov.vn) Vừa qua, Bộ Tư pháp phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên” bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), bảo vệ trẻ em, gia đình của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; đại diện một số Sở Tư pháp; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số cơ quan báo chí.

 

Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp cận pháp luật, PBGDPL nói chung, PBGDPL cho người chưa thành niên nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên đã được quan tâm ban hành. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra giải pháp: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Mục 3 Chương 2 của Luật PBGDPL cũng quy định rõ về giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Trong thời gian qua, việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, PBGDPL cho người chưa thành niên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung PBGDPL thiết thực hơn, hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, bên cạnh hình thức giáo dục pháp luật chính khóa trong nhà trường (môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở và môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) còn có nhiều hình thức, mô hình PBGDPL ngoài giờ lên lớp, đồng thời nhiều hình thức PBGDPL cho người chưa thành niên được các cấp, các ngành thực hiện. Tuy nhiên, công tác PBGDPL cho chưa thành niên còn chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới tập trung vào người chưa thành niên là học sinh, ở đô thị. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và giáo dục pháp luật cho người dân nói chung, người chưa thành niên nói riêng cần được xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, toàn diện theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, quy định cụ thể nội dung, hình thức, phương thức thực hiện PBGDPL.

 

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào đối tượng người chưa thành niên đặc thù (khuyết tật, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, nạn nhân bạo lực gia đình...) để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người chưa thành niên, qua đó, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chia sẻ những biện pháp tiềm năng để nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em các đại biểu nhấn mạnh, muốn thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của trẻ em thì không thể không nói đến trách nhiệm của chủ thể nghĩa vụ, đó là nhà nước, cha mẹ, thầy cô giáo…, cùng với đó, việc phổ biến và nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em sẽ hiệu quả nhất khi đó là một quá trình tương tác, đối thoại thay vì thuyết giảng. Trẻ em không thể thực hiện quyền tham gia nếu các em không biết mình có quyền hoặc không biết cách thực hiện quyền của mình. Thông tin về các quyền của trẻ em có thể được lồng ghép trong chương trình giảng dạy tại nhà trường hoặc được phổ biến qua các câu lạc bộ về quyền trẻ em trong trường học. Trong đó, cần chú trọng đào tạo thanh thiếu niên trở thành những lãnh đạo học sinh trong các trường học.

 

Bên cạnh đó, phải xác định nhu cầu về nhận thức pháp luật của trẻ em và cha mẹ nhằm nỗ lực hiệu quả hơn và đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ hơn của trẻ em và cha mẹ (thông qua các khảo sát, các tổ chức xã hội, các trung tâm trợ giúp pháp lý...). Ưu tiên xây dựng chương trình nâng cao nhận thức pháp luật dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ em trai và trẻ em gái. Các thông tin về quyền trẻ em cũng cần được dịch sang ngôn ngữ của những nhóm dân số thiệt thòi và bị loại trừ, như những nhóm dân tộc thiểu số và các dân tộc bản địa.

 

Để phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong thời gian tới cần có một số giải pháp như: Lực lượng Công an cần tăng cường phối hợp các các bộ, ngành có liên quan triển khai giải pháp hiệu quả, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp tình hình thực tiễn; ứng dụng công nghệ thông tin đăng tải các chuyên trang chuyên mục, câu chuyện pháp luật cảnh báo thủ đoạn tội phạm xâm hại trẻ em, trang bị tủ sách pháp luật cho cấp xã để xây dựng đội ngũ báo cáo viên cơ sở trực tiếp làm công tác tuyên truyền tại cộng đồng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác phối hợp, tổ chức điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách trong phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên; lấy công tác phòng ngừa là căn bản để kiềm chế, giảm bền vững, giảm sâu các vụ việc xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên…/.


 

Hải Lam Phương

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1