Nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

(binhthuan.gov.vn) Hiện
nay, toàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số, với 25.988 hộ/105.295 khẩu, chiếm
8,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa
bàn toàn tỉnh, với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ. Mỗi dân tộc có bản
sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo sự phong phú, đa dạng trong
nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện Đề án “Giảm
thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, viên
chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và người dân vùng đồng bào dân tộc
thiểu số trên địa bàn tỉnh về mục tiêu của Đề án này.
Đồng thời, tiếp tục duy trì việc thực
hiện mô hình kết nghĩa giữa 17 Sở, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các đoàn thể cấp tỉnh với 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số và 37 thôn xen ghép thuộc vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng
của Luật Hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa và
tích cực tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền
vững, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo
hôn và hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng
bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết quả, trong năm 2022, tình trạng tảo
hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn
toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; số trường hợp tảo hôn giảm so với
năm 2021; không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. Toàn tỉnh có 65 trường hợp
tảo hôn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do đồng bào dân tộc thiểu số
thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình; phong tục tập quán lạc hậu ở một
số vùng đồng bào vẫn còn tồn tại, đa số các em ở độ tuổi thanh thiếu niên thiếu
hiểu biết về kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, thông tin về sức khỏe… còn hạn
chế.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp
tục phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số
về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, thực hiện có hiệu quả các chính sách về giáo
dục, y tế, trong đó đặc biệt quan tâm giao dục kỹ năng sống đối với đối tượng
là thanh niên, học sinh nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn và hôn
nhân cận huyết thống. Duy trì và nhân rộng các mô hình xã giảm thiểu được tình
trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phối hợp với Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền
viên, cộng tác viên, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc
trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về
hôn nhân và gia đình lồng ghép tuyên truyền tại các Lễ hội, họp thôn…
Triển khai thực hiện có hiệu quả các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân
trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước
xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn
hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân
tộc thiểu số.
Nguyễn Phương