Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao

(binhthuan.gov.vn) Thực
hiện chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về chuyển
đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với điều kiện thực tế khách quan tại
từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố
trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
trên đất lúa. Trong giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chuyển
đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích 18.876 ha, bình quân 6.292
ha/năm; cụ thể năm 2019 - 2020 là 5.484 ha, năm 2020 - 2021 là 8.194 ha, năm
2021 - 2022 là 5.198 ha; trong đó, vụ Đông Xuân thực hiện chuyển đổi cây trồng
trên đất lúa nhiều nhất chiếm 61%, vụ Hè Thu 33% và vụ Mùa là 6%.
Huyện Tánh Linh là địa phương có diện
tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhiều nhất với tỷ lệ 57%, Đức
Linh 32%, Hàm Thuận Bắc 7%, Bắc Bình 2%, thị xã La Gi 1%. Các huyện Hàm Tân,
Hàm Thuận Nam không có diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, do diện
tích đất lúa tại các huyện không nhiều và không chủ động được nguồn nước tưới
cho cây trồng cạn khi chuyển đổi. Huyện Tuy Phong chủ yếu sản xuất lúa 3 vụ,
nông dân không có tập quán luân chuyển cây trồng cạn trên đất lúa.
Qua thực hiện việc chuyển đổi cây trồng
trên đất lúa giúp đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị
diện tích, lợi nhuận tăng hơn so với sản xuất 3 vụ lúa từ 2- 3 triệu đồng/ha, mô
hình trồng 2 vụ lúa và 1 vụ đậu phộng đạt hiệu quả cao nhất khoảng 10 - 20 triệu/ha.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa (02 lúa và 01 màu,
01 lúa và 01 màu) đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thuần lúa khoảng
từ 10 - 30%. So với cây lúa, các cây trồng khác luân canh trên đất lúa đều cho
lợi nhuận cao hơn (lãi bình quân trên 01 ha/vụ: Lúa 5 - 6,8 triệu đồng; bắp 8,5
- 9,2 triệu đồng; rau 15 - 17 triệu đồng, lạc 18 - 20 triệu đồng; đậu các loại
22 - 24 triệu đồng và cây ngắn ngày khác 23 - 25 triệu đồng).
Đồng thời, thông qua việc luân canh
cây trồng trên đất lúa giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, cải tạo dinh
dưỡng cho đất, tiết kiệm nguồn nước tưới, nhất là vụ Đông Xuân thường khan hiếm
nguồn nước. Giải quyết một phần nguồn lao động nông nhàn, thay đổi dần tập quán
sản xuất của nông dân, tạo ra nguồn nông sản phong phú ngoài lúa gạo giúp giải
quyết nhu cầu thực phẩm cho địa phương.
Nhìn chung, các loại cây trồng chuyển
đổi trên đất lúa của tỉnh đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất
thuần lúa, đồng thời tiết kiệm nước. Nhóm cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, sử
dụng nước ít được các địa phương chủ động khuyến khích phát triển là nhóm rau -
đậu, nhóm thức ăn chăn nuôi.
Nguyễn Phương