Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành trước ngày 30/4/2023

(binhthuan.gov.vn)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu trước ngày 30/4/2023,
phải đưa vào khai thác 02 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết -
Vĩnh Hảo.
Chiều 15/3/2023,
tại phòng họp UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn
Thắng cùng Đoàn công tác đã có cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện Dự án đường
bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Về phía tỉnh
Bình Thuận, tham dự cuộc họp có các đồng chí: Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo
các sở, ngành và địa phương có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lũy kế sản
lượng đến nay là hơn 5.076 tỷ đồng, đạt hơn 85%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
Giá trị còn lại là 826,99 tỷ đồng, chiếm hơn 14% giá trị hợp đồng. Giải ngân
xây lắp lũy kế đạt hơn 4.815 tỷ đồng.
Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, lũy
kế sản lượng đến nay là hơn 6.267 tỷ dồng, đạt hơn 75% so với hợp
đồng.
Quyền Cục trưởng
Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến, cho biết: Tiến độ của hai dự án cao
tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo hiện đang được kiểm soát chặt
chẽ từng ngày. Mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 vẫn không
thay đổi. Nếu đến ngày 30/4, gói thầu nào chưa hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải
sẽ xem xét lại hợp đồng với nhà thầu chậm tiến độ để có những biện pháp xử lý
theo quy định.
Theo Quyền Cục
trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với 02 dự án
cao tốc nêu trên là nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường cầu vượt.
Cụ thể tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đang thiếu 600.000m3 đất; tuyến
Phan Thiết - Vĩnh Hảo đang thiếu 900.000m3 đất. Nếu vấn đề này không
được giải quyết sớm, sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế
hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại
buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã làm rõ thêm
một số vấn đề liên quan đến việc cấp quyền khai thác mỏ khoáng sản phục vụ dự
án cao tốc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tại Nghị quyết phiên họp
thường kỳ tháng 02/2023, Chính phủ đã đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem
xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho 06 mỏ đất đắp đặc thù mà không
phải lập lại dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên theo quy định
của pháp luật, thì không có nội dung “cấp lại giấy phép khai thác”, chỉ có “cấp
mới”. Nếu thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản, sẽ phải mất
ít nhất 06 tháng. Chính vì thế, UBND tỉnh đề nghị Bộ giao thông vận tải
kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nghị quyết này theo hướng thực hiện thủ
tục gia hạn giấy phép khai thác các mỏ khoáng sản.

Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại
buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng khẳng định, tỉnh Bình Thuận
rất mong chờ 02 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo
đi vào hoạt động. 02 dự án này khi đi vào vận hành sẽ có tác động tích cực đến
sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Trong thời gian
qua, tỉnh Bình Thuận đã đôn đốc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên
quan đến cấp quyền khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ dự án cao tốc. Liên quan
đến công tác giải phóng mặt và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng
đến dự án, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên
quan khẩn trương thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết
luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, 02 tuyến cao tốc Dầu
Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra động
lực phát triển mới cho khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ; trong đó tỉnh Bình
Thuận và Đồng Nai là 02 địa phương trực tiếp hưởng lợi từ 02 tuyến cao tốc này.
Qua buổi kiểm
tra thực tế sáng nay (15/3), Bộ trưởng khẳng định, tiến độ triển khai 02 tuyến
cao tốc nêu trên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các nhà thầu
không được chủ quan, nhất là đối với tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết vì tiến độ thực
hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Về nguyên nhân
dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thực tế cho thấy, đã có tình trạng một
số nhà thầu chưa bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cũng như tài chính để đảm
bảo tiến độ theo đúng thời hạn đề ra. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về đất đắp phục
vụ các hạng mục cầu vượt, đường gom cũng đã khiến tiến độ dự án bị chậm trễ so
với kế hoạch.
Về nhiệm vụ
trong thời gian đến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, mục tiêu không thay
đổi, trước ngày 30/4/2023, phải khánh thành và đưa vào sử dụng 02 tuyến cao tốc
Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Để thực hiện được
điều này, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long và Ban Quản lý dự án 7
phải xây dựng ngay sơ
đồ Gantt dự án đối với các hạng mục còn lại để
đôn đốc chỉ đạo, kiểm đếm tiến độ thi công theo từng ngày; kịp thời nắm bắt,
tháo gỡ khó khăn của các nhà thầu xây lắp gặp phải trong quá trình thi công, tuyệt
đối không để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ do thiếu tài chính; có chế
tài xử lý kịp thời các nhà thầu vi phạm, chậm tiến độ; chủ động chuẩn bị các
công việc cần thiết để mời Hội đồng thẩm định nhà nước triển khai thực hiện các
bước nghiệm thu công trình.
Đối với các
nhà thầu xây lắp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải tập trung trang thiết
bị, nhân lực, tài chính để bố trí đầy đủ các mũi thi công, thực hiện thi
công 03 ca 04 kíp, đảm bảo tiến độ theo đúng thời hạn đề ra; tuân thủ
đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thi công dự
án; trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, phải kịp
thời phản ánh cho các ban quản lý dự án để báo cáo các cơ quan thẩm
quyền tháo gỡ.
Bộ trưởng Nguyễn
Văn Thắng cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, hỗ trợ các ban quản lý dự
án xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; nhanh chóng di dời các
công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến dự án.
Riêng về vấn đề đất đắp phục vụ dự án, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình
Thuận phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Chính phủ để điều chỉnh
nội dung liên quan đến Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ (Nghị
quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2023) về “Tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ cao tốc Bắc -
Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận”./.
Hữu Tri