Ngành ngân hàng chính là đòn bẩy quan trọng để phục hồi nền kinh tế
Lượt xem: 668

(binhthuan.gov.vn) Nhấn mạnh về vai trò của ngành ngân hàng trong việc phục hồi nền kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng đề nghị ngành ngân hàng Bình Thuận tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của UBND tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.

Chiều 24/01/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Thuận (NHNN tỉnh) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Ngành Ngân hàng có vai trò rất quan trọng, là tiền đề thiết yếu và đòn bẩy để góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế với trạng thái đang yếu dần, thậm chí một số ngành, một số lĩnh vực không còn đủ sức chịu đựng trước hậu quả rất lớn của đợt dịch COVID-19 vừa qua”.

Với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh”, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị NHNN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh; giữ vai trò kết nối chặt chẽ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn; nắm bắt diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, dự báo phương hướng phát triển; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trên địa bàn.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó tập trung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và phục hồi các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Quản lý tốt hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh hoạt động của hệ thống này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 13/3/2019 và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tốt các Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các TCTD cần chú trọng công tác tự kiểm tra

Đối với các TCTD, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị này triển khai thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh năm 2022 phù hợp với giải pháp điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các chính sách của Trung ương. Chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới cho khách hàng gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giám sát chất lượng tín dụng của TCTD, rà soát kỹ, đánh giá lại chính xác nợ xấu nội bảng. Tích cực triển khai giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh của TCTD theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dịch vụ, tập trung vào hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng số, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, nhất là đối với lĩnh vực y tế, giáo dục…

Thường xuyên tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. “Công tác tự kiểm tra rất quan trọng, hãy chú trọng công tác này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: “Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn, thử thách để cùng các cấp, các ngành địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Từng TCTD bám sát vào kế hoạch hoạt động của mình trong năm 2022, từ đó có giải pháp hiệu quả nhất hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2021, ngành ngân hàng Bình Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, các giải pháp về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng gắn với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, địa phương.

Ngành cũng đã thực hiện kịp thời các giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn nợ; Xem xét miễn giảm lãi, phí; Cho vay mới…; Mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Nguồn vốn tín dụng đã được tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên gắn với việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Công tác cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế đảm bảo không bị gián đoạn mặc dù trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp. Triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của ngành, nổi bật là đã thực hiện chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngân hàng Bình Thuận vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Dư nợ cho vay trên địa bàn trong năm 2021 tăng trưởng còn thấp (tăng 6,49%), thấp hơn so với năm 2020 và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (12,97%), một số đơn vị có mức tăng trưởng âm; Nợ xấu có xu hướng tăng trong các tháng trong năm (đến tháng 11/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,3% nhưng trong tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 0,84%), chưa tính đến nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu do dư nợ của khách hàng được cơ cấu, miễn, giảm lãi theo chính sách của Trung ương; Xử lý hài hòa, đảm bảo quy định việc xử lý thu hồi nợ cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản gặp khó khăn do một số chủ tàu hoạt động không hiệu quả./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1