(binhthuan.gov.vn) Từ cuối tháng 2/2022,
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế từ ngày 15/3. Tại Bình Thuận, các doanh
nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cho biết đã sẵn sàng mọi phương án để mở cửa
đón du khách quốc tế theo tiêu chí an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
COVID-19.
Sẵn sàng đón khách
Trong năm 2022, Bình Thuận xác định mục
tiêu tổng lượng khách đạt 4.450.000 lượt khách tăng 2,5 lần trong đó khách quốc
tế là 210.000 lượt tăng 9,3 lần, khách nội địa là 4.240.000 lượt tăng 2,4 lần
so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch 10.600 tỷ đồng tăng 2,5 lần so với
năm 2020.
Toàn tỉnh hiện có 594 cơ sở lưu trú du
lịch với tổng số 17.587 phòng. Đã xếp hạng 57 cơ sở lưu trú với 4.581 phòng,
trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao 03 cơ sở với 357 phòng, đạt tiêu chuẩn 4 sao có
22 cơ sở với 2.678 phòng, 3 sao có 12 cơ sở với 913 phòng, 2 sao có 12 cơ sở với
450 phòng, 1 sao có 08 cơ sở với 183 phòng. Loại hình khách sạn 208 cơ sở với
8.317 phòng, nhà nghỉ 224 cơ sở với 3.226 phòng, nhà ở có phòng cho thuê 99 cơ
sở với 1.272 phòng, bãi cắm trại du lịch 01 cơ sở với 50 phòng, căn hộ 01 cơ sở
với 56 phòng. Ngoài ra còn có 557 căn hộ và 315 biệt thự. Hiện có hơn 100 cơ sở
lưu trú du lịch đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.
Để chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế bắt
đầu từ ngày 15/3, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng với các
phương án phù hợp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng
các chương trình du lịch mới mẻ, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch trong và
ngoài nước.
Tại Pandanus Resort (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết), Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh - Phó
Giám đốc Pandanus Resort cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã nỗ lực
phục hồi chuẩn bị đẩy đủ nhân sự cũng như các phương án phòng dịch, nguồn nhân
lực. Với chủ trương được đón du khách quốc tế trở lại, Pandanus Resort rất vui mừng và đã chuẩn bị kỹ lưỡng
các điều kiện để sẵn sàng. Trong đó, đơn vị sẽ tập trung vào khâu nâng cấp, sửa
chữa lại toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng đào tạo
nghiệp vụ cho nhân viên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách.
Ngoài ra, đơn vị đã làm mới lại một số tour tuyến du lịch để khám phá văn hóa của
địa phương như làng chài Mũi Né, chợ Mũi Né, Đồi Cát…
Không riêng gì Pandanus Resort, mà
Hoàng Ngọc Resort (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết) cũng đã hoàn thành
công tác chuẩn bị đón du khách quốc tế. Theo ông Trần Văn Sang - Phó Giám đốc đối
ngoại Hoàng Ngọc Resort, đơn vị này tập trung nâng cấp toàn bộ, xây mới nhiều
khu vực để đón khách quốc tế cũng như Việt Nam. Đồng thời mở các lớp đào tạo
chuyên sâu về lĩnh vực phục vụ cho khách châu Âu để hướng tới mùa khách Âu sắp
đến.
Cũng theo ông Sang, để đảm bảo trong
công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp có bố trí riêng một bộ phận y tế chuyên
về test khi khách có nhu cầu hoặc phát hiện; đồng thời bố trí một số phòng cách
ly khi có sự cố xảy ra dành cho khách hàng.
Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất,
hiện nay các doanh nghiệp du lịch cũng đã kết nối lại với các đơn vị lữ hành để
thông báo kế hoạch và thời điểm nhận khách.
Nhìn chung, đến thời điểm này, hầu hết
các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng đón du khách quốc tế
quay trở lại. Tất cả nhân viên, người lao động làm việc trong ngành du lịch đều
đã tiêm đủ liều vắc xin và được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch
cũng như kỹ năng xử lý nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Vẫn còn trở ngại
Ngày 7/3/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã
ban hành văn bản phổ biến kế hoạch tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh
nhà. Theo đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch là người
nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam từ ngày 5 -
14/3. Sau ngày 15/3, tỉnh sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch
quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội
Du lịch tỉnh cho rằng: Mặc dù các đơn vị đã “lên giây cót” sẵn sàng cho hoạt động
đón khách, đặc biệt là với thị trường quốc tế nhưng thời điểm này vướng mắc lớn
nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy trình đón khách từ Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế.
“Chúng ta nên tham khảo du lịch các nước
trong khu vực. Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế phải đồng nghĩa với việc tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho du khách. Việc cách ly y tế 24 giờ hay 72 giờ sẽ
gây rào cản về chi phí lớn cho du khách, kéo dài thời gian của du khách, trả
thêm phí dịch vụ không đáng có. Bởi quỹ thời gian du lịch của mỗi người có hạn”
- ông Khoa nói.
Ông Trần Văn Sang - Phó Giám đốc đối
ngoại Hoàng Ngọc Resort cũng bày tỏ quan điểm: Nếu quy định thắt chặt quá sẽ
khiến khách quốc tế không lựa chọn tới Việt Nam, mà sẽ tới các quốc gia khác có
thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn. Bên cạnh thị trường truyền thống của Mũi Né, Bình
Thuận trước đây, chúng tôi hướng tới đa dạng hóa các thị trường khác như Đức,
Anh, Thụy Điển, Đan Mạch… Thế nhưng, nếu quy định quá chặt chẽ, buộc khách phải
lưu trú ngay khi xuống sân bay trong 3 ngày hoặc 2 ngày để theo dõi, sau đó mới
được đi tham quan thì có lẽ kế hoạch đón khách của đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, tại Văn bản số 1576/VPCP-KGVX
ngày 14/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các
quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới
theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022; gửi Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố
theo thẩm quyền Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường
mới theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
bệnh COVID-19".
Tin tưởng sau khi Bộ Y tế hoàn thiện
phương án mở cửa du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các
doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đón khách thuận lợi, an toàn
và hiệu quả hơn.
Phạm Huệ